Lan tỏa văn hóa đọc trong thời đại số
Lượt xem: 160
Một cuốn sách hay trên giá sách là một người bạn dù quay lưng lại nhưng vẫn là bạn tốt – câu nói của Victor Hugo đã nhấn mạnh vai trò của sách trong cuộc sống. Đọc sách không chỉ giúp con người mở mang tri thức mà còn là con đường ngắn nhất để tự hoàn thiện bản thân. Trong thời đại số hóa, văn hóa đọc đang đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn. Công nghệ đã mở ra cánh cửa tiếp cận tri thức một cách dễ dàng hơn, nhưng đồng thời cũng đặt ra vấn đề về sự suy giảm thói quen đọc sách truyền thống.
Thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, chỉ 30% người Việt Nam đọc sách thường xuyên, trong khi có đến 70% dân số sử dụng Internet. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ có thực sự giúp nâng cao văn hóa đọc hay đang làm nó mai một dần? Mặc dù có nhiều phong trào khuyến đọc, nhưng số lượng sách mà người Việt đọc mỗi năm vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển. Sự chênh lệch này phản ánh thực trạng đáng lo ngại về thói quen đọc sách của giới trẻ trong thời kỳ số hóa.
Công nghệ không phải là trở ngại, mà là cơ hội để phát triển văn hóa đọc theo một hướng mới. Sự xuất hiện của thư viện số, sách điện tử và audiobook đã giúp người đọc tiếp cận kho tàng tri thức phong phú hơn. Đặc biệt, thói quen "nghe sách" đang trở thành xu hướng phổ biến, phù hợp với lối sống hiện đại của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải cân bằng giữa việc đọc sách giấy và tiếp cận sách điện tử, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ mà quên đi giá trị truyền thống của sách in. Như Margaret Fuller từng nói: "Hôm nay một người đọc sách, ngày mai người đó sẽ dẫn đầu" – việc duy trì thói quen đọc sách chính là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của mỗi cá nhân và cả xã hội.
Để thúc đẩy văn hóa đọc trong thời kỳ chuyển đổi số, cần có sự chung tay từ nhiều phía. Các trường học nên tổ chức nhiều hoạt động như hội sách mini, giao lưu với tác giả, ngày hội đọc sách nhằm khơi gợi niềm đam mê đọc sách từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ như QR Code để truy cập sách điện tử, phát triển thư viện trực tuyến cũng là những giải pháp hiệu quả giúp học sinh, sinh viên dễ dàng tiếp cận tài liệu học tập hơn. Ngoài ra, việc mở rộng các hội chợ sách, phát triển đường sách, phố sách và đưa sách vào không gian công cộng như quán cà phê, bệnh viện hay nhà ga sẽ góp phần quan trọng trong việc đưa sách đến gần hơn với người đọc.
Nhà nước cũng cần đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống thư viện công cộng, xây dựng các tủ sách miễn phí tại nhiều địa điểm công cộng, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức xã hội tham gia vào các chương trình phát triển văn hóa đọc. Song song đó, mỗi cá nhân cũng cần tự nâng cao ý thức đọc sách, dành thời gian để tiếp cận tri thức, không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân.
Nhà văn vĩ đại Mark Twain từng nói: "Người không đọc sách chẳng hơn gì kẻ không biết đọc." Văn hóa đọc không chỉ là cầu nối giữa con người với tri thức mà còn là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững. Trong thời kỳ chuyển đổi số, thay vì để công nghệ làm lu mờ thói quen đọc sách, hãy tận dụng nó để phát triển và lan tỏa văn hóa đọc. Mỗi trang sách lật mở là một cánh cửa tri thức rộng mở, và chính chúng ta là những người quyết định có bước qua cánh cửa ấy hay không?
Phạm Thanh Huyền - Sinh viên lớp CĐMNK15B