Làm gì để phát triển văn hóa đọc cho học sinh sinh viên trong thời kì chuyển đổi số?
Lượt xem: 173
Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, văn hóa đọc có nhiều cơ hội để mở rộng khi người đọc có thể dễ dàng tiếp cận những cuốn sách giá trị mọi lúc, mọi nơi thông qua các thiết bị thông minh. Nhờ đó, kho tàng tri thức vô giá của nhân loại trở nên dễ dàng tiếp cận hơn, giúp những người yêu sách có cơ hội tiếp thu và tự hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ 30% người Việt Nam đọc sách thường xuyên, trong khi có đến 70% dân số sử dụng Internet. Dù Việt Nam thường xuyên phát động các phong trào đọc sách, nhưng trung bình mỗi người chỉ đọc khoảng 4 cuốn sách/năm, trong đó phần lớn là sách giáo khoa. So với các quốc gia phát triển như Singapore (14 cuốn/năm) hay Nhật Bản (20 cuốn/năm), con số này vẫn còn rất thấp.
Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi phương thức tiếp cận tri thức, từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử, giúp người đọc tiếp cận sách một cách linh hoạt hơn. Cùng với đó, thói quen “nghe sách” cũng dần trở nên phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ - những người bận rộn nhưng vẫn mong muốn trau dồi kiến thức. Để thích ứng với xu thế chuyển đổi số, nhiều nhà xuất bản đã đẩy mạnh việc xuất bản sách điện tử, từ sách truyền thống dạng lật trang đến sách tương tác, sách 3D và sách nói. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích như dễ dàng lưu trữ, cập nhật nhanh chóng, sách điện tử cũng đặt ra nhiều thách thức như ảnh hưởng đến sức khỏe do tiếp xúc màn hình trong thời gian dài, cũng như vấn đề về chất lượng nội dung. Do đó, trong tương lai, sách giấy và sách điện tử sẽ cùng song hành để mang đến trải nghiệm đọc đa dạng hơn, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong xã hội.
Để phát triển văn hóa đọc trong thời kỳ chuyển đổi số, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nhà xuất bản, trường học và cả ý thức của mỗi cá nhân. Các trường học cần coi việc xây dựng văn hóa đọc là một nhiệm vụ quan trọng, tổ chức các hoạt động như hội sách mini, giao lưu tác giả, tuần lễ đọc sách và đẩy mạnh giáo dục kỹ năng đọc trên cả nền tảng truyền thống lẫn kỹ thuật số. Ngoài ra, việc tổ chức nhiều hội chợ sách, không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở các tỉnh thành, cũng giúp đưa sách đến gần hơn với công chúng. Nhà nước cũng cần đầu tư phát triển hệ thống thư viện, đặc biệt là thư viện văn hóa khoa học tổng hợp, nhằm tạo điều kiện học tập suốt đời cho mọi công dân. Đồng thời, có thể tận dụng các không gian công cộng như quán cà phê, bệnh viện, phòng khám… để đặt giá sách, giúp mọi người có cơ hội tiếp cận sách một cách thuận tiện hơn.
Nhà chính trị Mahatma Gandhi từng nói: “Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi.” Sách chứa đựng tinh hoa tri thức của nhân loại, là con đường giúp mở mang tầm nhìn và phát triển bản thân. Vì vậy, phát triển văn hóa đọc không chỉ là trách nhiệm của nhà nước, mà còn là ý thức của mỗi cá nhân trong việc không ngừng trau dồi kiến thức, góp phần nâng cao dân trí và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của quốc gia.
Đào Thanh Huyền